Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Tròn vị mặn – đắng cà phê

Ghi chép: VĂN VIỆT
Thưởng thức ly cà phê sóng sánh cánh hoa và ngọn thông Đà Lạt, “thượng đế” được cảm nhận tròn vị mặn thanh của biển hòa quyện với hương đắng thơm của rừng. Và khi lắng đọng tâm hồn dõi theo câu chuyện tình cà phê muối, một phần ký ức riêng mình bất chợt quay về…

Tinh khiết cà phê muối
Nghe kể nhiều giai thoại về quán cà phê muối ( salt coffee) ở đường Tăng Bạt Hổ, Đà Lạt mà mãi sau một năm hoạt động, tôi mới đặt chân đến làm khách– dù chỉ cách nhà ở không quá năm phút xe máy. Nếu hỏi vì sao vậy thì viện đủ lý lẽ trả lời, nhưng trong đó có lý do về lứa tuổi “tri thiên mệnh” đã không không thuyết phục chính tôi khi được mời ngồi trên chiếc ghế gỗ mô phỏng hình chiếc ghế đá công viên. Cả không gian 60 mét vuông bố trí gần 10 bộ bàn ghế với 10 chiếc guitar thùng. Màu trắng của cát, màu xanh của sóng biển dập dờn, màu vàng lung linh của những ánh đèn lồng đan bằng cây lồ ô xứ núi. Người phục vụ đưa cho khách tôi một trang giấy trắng A4 ép nhựa trong suốt, xuất hiện lên trên những dòng chữ in đậm về chuyện tình cà phê muối: “Dạ, có 4 loại cà phê arabica Đà Lạt pha chế với muối biển tinh khiết, xin được mời dùng…” Tôi nhìn thực đơn mỗi ly cà phê đen và ly cà phê sữa có giá từ 18.000 đồng đến 42.000 đồng. “Cho một ly cà phe đen pha phin…”- Tôi gọi. Nhân viên quán cười tươi: “Dạ, ở đây cà phê bột arabica xay hạt nhân và hòa tan tại chỗ với vị muối mặn. Quý khách không phải chờ nhỏ xuống từng giọt cà phê như những quán khác… ”
Tôi đọc chưa hết đoạn mở bài câu chuyện tình của cà phê muối, người phục vụ đã mang đến một ly cà phê đen ấm nóng. Nhâm nhi từ vài ngụm đầu tiên cho đến những giọt cuối cùng, dù cố giữ lại thật lâu nơi chót lưỡi, tôi thật khó phân tách trong cảm nhận của mình đâu là vị mặn thuần của muối và đâu là vị đắng thuần của cà phê, bởi đã trung hòa thành một mùi hương khác biệt – mùi hương tinh khiết cà phê muối Đà Lạt…   
Cộng sự tật nguyền
Khi tôi ngỏ lời được tiếp xúc với người chủ quán cà phê muối Đà Lạt, nhân viên đứng quày tiếp tân cung cấp số điện thoại của nam thanh niên Đặng Đình Quý ( sinh năm 1984), một người tật nguyền bại não lúc tuổi mới lên ba. Sau 3 hồi chuông đổ, Quý nhấc máy. Tôi nghe cả tiếng gió biển ùa vào từng cơn. Thì ra, Quý đang đàm phán liên kết xây dựng một cửa hàng cà phê muối Đà Lạt tại Khu Du lịch Cảng Kê Gà của thành phố Phan Thiết. Hôm sau trước khi về Đà Lạt hẹn gặp tôi, Quý ghé lại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh cũng với việc thỏa thuận mở thêm quán cà phê muối Đà Lạt thứ 3 nữa. “Em và các bạn cùng cố gắng mở rộng hợp tác để cho ra đời thêm các cửa hàng chi nhánh cà phê muối ( salt coffee) Đà Lạt – thương hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận bảo hộ độc quyền…”- Quý chia sẻ với âm giọng không tròn trịa của người khuyết tật.
Buổi sáng chủ nhật cuối năm, tại quán cà phê muối Đà Lạt, tôi bắt tay “chào ông chủ” thì bất ngờ nhìn thấy Quý không vui. “Quán có 3 người cùng góp vốn kinh doanh. Gọi em là người cộng sự của quán, em thấy thích hợp vai trò của em hơn…”- Quý chân thành. Nhưng thật tình thì Quý đang đứng tên chủ quán và “chủ ý tưởng” “salt coffee” này. Chuyện bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, một nữ cộng sự quyết định rời bỏ công việc lương cao ở một công ty nước ngoài để lên Đà Lạt cùng kể một câu chuyện tình ngọt ngào của…cà phê muối. Câu chuyện cuốn hút từ giới trẻ đến giới trung niên và cao niên. Rằng cô gái xinh đẹp đã nhận lời tỏ tình của một chàng trai rất đỗi bình thường từ “nguyên cớ” ly cà phê muối. Và họ đã thành vợ chồng chung sống bên nhau trọn đời với ly cà phê muối mỗi sáng. Vị mặn của muối với vị đắng của cà phê xúc tác với nhau thành một chất men tình yêu hòa hợp không thể rời xa.
Vậy là 250 triệu đồng vốn đầu tư từ 3 thanh niên gồm Quý, cộng với một cộng sự nữ và một cộng sự nam đã huy động từ nhiều nguồn khác nhau, tiến hành thuê một mặt bằng 60 mét vuông trên đường Tăng Bạt Hổ, Đà Lạt để khởi nghiệp bán cà phê muối. Trước đó, Quý đã đưa 3 nhân viên (bạn thời sinh viên) đi học nghề 3 tháng pha chế cà phê muối ở Sài Gòn. Quán khai trương tương đối nhiều khách trong những tháng đầu và đáng mừng đã duy trì ở mức ổn định doanh thu cho đến ngày nay. Tuy nhiên, so với yêu cầu kinh doanh của cả nhóm đặt ra thì tỷ lệ thành công mới đạt khoảng 65%, hợp thành từ các yếu tố chính như: thương hiệu cà phê muối duy nhất của Việt Nam kể một câu chuyện tình; cà phê xay hạt nhân trực tiếp tại quán là nguyên hạt cà phê arabica Cầu Đất, Đà Lạt với chất lượng thơm ngon hàng đầu thế giới; một không gian cà phê thưởng ngoạn ấn tượng bởi thiết kế của nhóm sinh viên Đại học Yersin Đà Lạt vô địch toàn quốc SV 2012…Còn lại tỷ lệ 35% chưa đạt về hạch toán lợi nhuận, về chiến lược thị trường trước mắt và lâu dài, về nguồn vốn đầu tư chiều sâu…
Tôi đọc đâu đó về chiến lược kinh doanh phải giành ra một khoản tiền đầu tư năm năm, mười năm không lãi để đưa thương hiệu của mình thân thuộc với khách hàng. Với thương hiệu cà phê muối Đà Lạt tròn vị mặn- đắng chỉ sau một năm hình thành và phát triển đang được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn mạng xã hội trong và ngoài nước, nhưng chưa nhiều người biết rằng, người tạo dựng là một chàng trai khuyết tật với tuổi “tam thập” cân nặng chưa tới 40kg, tay chân run rẩy không tự lái xe máy được, đã trải qua một quãng đời vượt lên bao nghịch cảnh chính mình để “chen vai, thích cánh” lấy tấm bằng cử nhân du lịch. Và xin được cảm phục nhắc lại tên một lần nữa, đó là chàng trai Đặng Đình Quý có hộ khẩu thường trú tại xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng./.
THÁNG 12/2014

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Thương hiệu cà phê muối.

Đặng Đình Quý (30 tuổi), là cựu sinh viên khoa Du lịch, trường ĐH Yersin Đà Lạt, đang là chủ quán Salt Coffee (cà phê muối) ở phố núi Đà Lạt. “Ông chủ” này lại là người khuyết tật, một điển hình của sự vượt lên số phận. Khi còn là sinh viên, Quý đã viết hàng chục kịch bản phim truyền hình cộng tác với các đài truyền hình. Quý cho biết, sau khi lấy bằng cử nhân năm 2009, anh gửi hơn 20 đơn xin việc làm, nhưng không được hồi âm. Một lần đi thăm bạn ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận), Quý kiếm được việc và làm quản lý tại một resort ở Mũi Né. Sau hơn 3 năm “làm bạn” với biển nhưng Quý vẫn không thể quên hương vị đậm đà của cà phê Đà Lạt. Quý tâm sự: “Đà Lạt nổi tiếng với cà phê Arabica (cà phê chè), nhưng du khách ít khi được thưởng thức cà phê Arabica chính hiệu. Đó là ý tưởng để Quý mở quán cà phê Salt Coffee”. Được sự hợp tác của một người bạn ở TP.HCM và các bạn khoa Kiến trúc (ĐH Yersin Đà Lạt) nên ý tưởng Salt Coffee trở thành hiện thực.
Theo Quý, một chút muối làm giảm vị đắng của cà phê, nhưng lại tăng vị đậm “ngọt” thay vì phải pha trộn các hương vị tạp chất khác và đó là nét đặc trưng của quán. “Khi khách gọi, lúc đó mới xay cà phê, vì muốn bỏ muối vào tách cà phê thì đó phải là cà phê nguyên chất chưa pha hương liệu gì”- Quý giải thích. Du khách có thể tận mắt xem cách pha chế cà phê muối ngay tại quầy, đây cũng là cách để thu hút du khách đến quán. Nằm trên con đường “phố Tây” Tăng Bạt Hổ của Đà Lạt, nên mỗi sáng sớm và chiều tối khá đông du khách nước ngoài tìm đến Salt Coffee. Ngoài cà phê muối, Salt Coffee có gần 60 thức uống khác nhau, nhiều loại được pha chế tại chỗ. Bước đầu mỗi ngày quán thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng, tạm đủ các chi phí và trả lương cho nhân viên.
Đặng Đình Quý quê ở Hưng Yên, từ năm lên 3 đã phải gánh chịu căn bệnh bại não khiến tay chân bị co quắp, nói năng cũng không bình thường. Học xong lớp 9, Quý phải nghỉ học vào Lâm Đồng lập nghiệp với bố mẹ. Nhờ một gia đình cưu mang, Quý được trở lại trường học và tiếp tục học bậc đại học. Nay Quý tự tạo cơ hội để thăng tiến bản thân, vừa làm chủ quán cà phê, Quý vừa tiếp tục sáng tác kịch bản phim truyền hình. Lâm Viên

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Sinh viên Đại học Yersin Đà Lạt đoạt 2 giải thưởng "Tỏa sáng nghị lực Việt".

Cập nhật lúc 16:00, Thứ Tư, 13/08/2014 (GMT+7) Cuộc thi “Tỏa sáng nghị lực Việt” do TW Hội LHTN Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Thanh niên tổ chức dưới sự tài trợ của Tập đoàn Hoa Sen nhằm phát hiện và tôn vinh những tấm gương giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh, những câu chuyện kể cảm động về ý chí vươn lên của giới trẻ, có đóng góp tích cực cho xã hội. Tham dự cuộc thi, Đoàn Trường Đại học Yersin Đà Lạt đã gửi 2 MV (music videoclip) “Sống như những đóa hoa” và “Lực sống”.
Với ý tưởng, cách dàn dựng sáng tạo, MV “Sống như những đóa hoa” đã dùng nghệ thuật múa bóng để kể một câu chuyện về một cô gái khuyết tật đã rơi vào tuyệt vọng vì sự kỳ thị. Tự mình trấn tĩnh lại, không gục ngã bởi vẫn còn những vòng tay bạn bè cảm thông, chia sẻ, cô đã vươn lên khẳng định mình, thành công và tìm thấy hạnh phúc. MV đã đoạt giải ba cuộc thi (không có giải nhất, nhì). MV “Lực sống” kể câu chuyện có thật của một chàng cựu sinh viên ĐH Yersin, bạn là Đặng Đình Quý - một chàng trai kém may mắn bởi di chứng căn bệnh bại não từ nhỏ dẫn đến teo cơ, đi lại khó khăn. Không đầu hàng, Quý đã nỗ lực học tập, tốt nghiệp ngành du lịch, là tác giả của hàng chục kịch bản phim, xây dựng ý tưởng kinh doanh tạo dựng hình ảnh Salt Coffee (Cà phê muối) với màu xanh dương và màu trắng (tượng trưng cho màu của nước biển và muối) cho chuỗi quán cà phê của mình tại Đà Lạt. Câu chuyện của Đặng Đình Quý như tiếp thêm sức lực, đánh thức giá trị sống tốt đẹp của con người; đặc biệt là người khuyết tật, hãy tin vào chính mình, không bỏ cuộc, hãy cứ ước mơ và vươn tới. MV đã đoạt giải khuyến khích của cuộc thi. QUỲNH UYỂN

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Cà phê muối

Chàng trai gặp cô gái ở một buổi tiệc. Cô rất xinh đẹp, quyến rũ và đến hơn nửa số người trong buổi tiệc đều để ý đến cô. Trong khi chàng trai chỉ là một người rất bình thường, không ai buồn nhìn tới. Cuối cùng, khi buổi tiệc gần kết thúc, chàng trai ngượng ngịu mời cô gái uống cà phê với mình. Cô gái rất ngạc nhiên, nhưng vì lời mời quá lịch sự nên cô đồng ý. Họ ngồi ở một chiếc bàn nhỏ trong góc phòng tiệc, nhưng chàng trai quá lo lắng, mãi không nói được lời nào, làm cho cô gái cũng cảm thấy bất tiện. Bỗng nhiên, chàng trai gọi người phục vụ: - Xin cho tôi ít muối để tôi cho vào cà phê!
Mọi người xung quanh đều hết sức ngạc nhiên và nhìn chăm chăm vào chàng trai! Chàng trai đỏ mặt, nhưng vẫn múc một thìa muối cho vào cốc cà phê và uống. Cô gái tò mò: - Sao anh có sở thích kỳ quặc thế? - Khi tôi còn nhỏ, tôi sống gần biển - Chàng trai giải thích - Khi chơi ở biển, tôi có thể cảm thấy vị mặn của nước, giống như cà phê cho muối vào vậy! Nên bây giờ, mỗi khi tôi uống cà phê với muối, tôi lại nhớ tới tuổi thơ và quê hương của mình.
Cô gái thực sự cảm động. Một người đàn ông yêu nơi mình sinh ra thì chắc chắn sẽ yêu gia đình và có trách nhiệm với gia đình của mình. Nên cô gái cởi mở hơn, về nơi cô sinh ra, về gia đình... Trước khi ra về, họ hẹn nhau một buổi gặp tiếp theo... Qua những lần gặp gỡ, cô gái thấy chàng trai quả là một người lý tưởng: rất tốt bụng, biết quan tâm... Và cô đã tìm được người đàn ông của mình nhờ cốc cà phê muối.
Câu chuyện đến đây vẫn là có hậu, vì "công chúa" đã tìm được "hoàng tử", và họ cưới nhau, sống hạnh phúc. Mỗi buổi sáng, cô gái đều pha cho chàng trai - nay đã là chồng cô - một cốc cà phê với một thìa muối. Và cô biết rằng chồng cô rất thích như vậy. Suốt 50 năm, kể từ ngày họ cưới nhau, bao giờ người chồng cũng uống cốc cà phê muối và cảm ơn vợ đã pha cho mình cốc cà phê ngon đến thế. Sau 50 năm, người chồng bị bệnh và qua đời, để lại cho người vợ một bức thư: - "Gửi vợ của anh, Xin em hãy tha thứ cho lời nói dối suốt cả cuộc đời của anh. Đó là lời nói dối duy nhất - về cốc cà phê muối. Em có nhớ lần đầu tiên anh mời em uống cà phê không? Lúc đó anh đã quá lo lắng, anh định hỏi xin ít đường, nhưng anh lại nói nhầm thành muối. Anh cũng quá lúng túng nên không thể thay đổi được, đành phải tiếp tục lấy muối cho vào cốc cà phê và bịa ra câu chuyện về tuổi thơ ở gần biển để được nói chuyện với em. Anh đã định nói thật với em rất nhiều lần, nhưng rồi anh sợ em sẽ không tha thứ cho anh. Và anh đã tự hứa với mình sẽ không bao giờ nói dối một lời nào nữa, để chuộc lại lời nói dối ban đầu. Bây giờ anh đã đi thật xa rồi, nên anh sẽ nói sự thật với em. Anh không thích cà phê muối, nhưng mỗi sáng được uống cốc cà phê muối từ ngày cưới em, anh chưa bao giờ cảm thấy tiếc vì anh đã phải uống cả. Nếu anh có thể làm lại từ đầu, anh vẫn sẽ làm như thế để có thể được em, và anh sẽ uống cà phê muối suốt cả cuộc đời." Khi người vợ đọc xong lá thư cũng là khi lá thư trong tay bà ướt đẫm nước mắt. Nếu bạn hỏi người vợ rằng: "Cà phê muối vị thế nào?", chắc chắn bà sẽ trả lời: "Ngọt lắm".

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Thương hiệu và câu chuyện của trái tim

Trong chuyến công tác tại TP. HCM tôi đã có buổi tối cà phê đặc biệt với một người “đặc biệt”.

Anh là người khuyết tật. Bệnh bại não từ bé khiến anh đi lại và nói tương đối khó khăn. Nhưng vượt qua nhiều khó khăn anh đã tốt nghiệp đại học về quản trị kinh doanh. Anh còn biết viết cả kịch bản và được một đơn vị truyền thông sử dụng.  

Anh đang sống tại Phan Thiết và hiện là “ông chủ” của một xe bán cà phê Take-away tại Mũi Né. Anh vừa mới khởi nghiệp. Ý tưởng kinh doanh của anh: bán cà phê take-away với ý tưởng cà phê sạch pha muối.



Anh là độc giả thường xuyên của chuyên trang về  thương hiệu Branddance.vn. Anh tâm sự rằng các bài viết của tôi về thương hiệu (đặc biệt các bài nói về Trung Nguyên và Starbucks) là nguồn cảm hứng để anh nảy sinh ý tưởng kinh doanh “cà phê muối” của mình.

"Định vị thương hiệu" của anh rất rõ ràng.

Nếu Starbucks là “Nơi thứ ba”, Trung Nguyên là “Khơi nguồn sáng tạo” thì Cà phê muối của anh là “tình yêu và trách nhiệm”. Ý tưởng  “Tình yêu” bắt nguồn từ chuyện ngắn “tách cà phê muối”; còn “trách nhiệm” là đạo đức kinh doanh chỉ bán cà phê sạch không hoá chất độc hại.

Anh sôi nổi chia sẻ với tôi rằng ứớc mơ của anh là biến thương hiệu “Cà phê muối” của mình thành “Nghệ sỹ nhà hát” thay vì cam chịu số phận “Người hát rong”.

Anh hỏi ý kiến của tôi và chiến lược thương hiệu cho “cà phê muối” của mình, về truyền thông thương hiệu, về cách nào để gọi vốn đầu tư v.v.


Ban đầu tôi chỉ ngồi im lặng lắng nghe chia sẻ của anh. Khi anh gặng hỏi, tôi quyết định “nói thật” với anh rằng ý tưởng kinh doanh “cà phê sạch” của anh không có gì mới. Nhiều người đã và đang làm điều này. Và họ có tiềm lực làm điều này tốt hơn anh rất rất nhiều. Ý tưởng “cà phê muối” dựa vào câu chuyện tình yêu là rất cảm động để có một brand story tốt. Nhưng tôi cũng nói với anh rằng thành công của một thương hiệu không đến từ một story cảm động mà đến từ ý tưởng kinh doanh khác biệt. Người ta chỉ kể câu chuyện thương hiệu khi thương hiệu đó đã thành công (tôi lấy ví dụ về Starbucks rằng sẽ chẳng ai đọc “Dốc hết trái tim” của Howard Schultz nếu trước đó ông không xây dựng Starbucks thành thương hiệu đắt giá). Và tôi cũng nói rằng các nhà đầu tư chỉ bỏ tiền cho một ý tưởng kinh doanh mang lại lợi nhuận.  Một “câu chuyện cảm động” là một khởi đầu tốt nhưng không đủ để đảm bảo thành công về dài hạn.

Tôi sợ rằng ý kiến hơi thẳng thắn của tôi sẽ làm anh buồn và nhụt chí. Ánh mắt của anh cho thấy điều này. Nhưng thật may, sau đó nét mặt anh thể hiện sự điềm tĩnh trở lại. Anh nói thật lòng rằng anh rất thích ý kiến “phản biện” chân thành và thẳng thắn của tôi. Rằng anh rất “sợ” những câu động viên cảm thông chung chung, thậm chí “thương hại” của nhiều người đã dành cho mình.

Anh không muốn mọi người đối xử với anh như một người “khuyết tật” không gặp may mắn. Và anh rất vui khi tôi đã đối xử với anh như “một người bình thường”.

Tôi cũng rất vui khi anh đã nhận ra điều này. Chính vì tôn trọng anh nên tôi đã rất "thẳng thắn" với anh. Tôi cũng nhắc với anh rằng tôi không dám chắc ý kiến của tôi là đúng. Tôi khuyên anh nên hỏi thêm những doanh nhân có nhiều trải nghiệm và đã thành công. Chắc chắn họ mới là người đưa ra lời khuyên xác đáng nhất cho anh.



Có một chi tiết này đến giờ vẫn làm tôi cảm động và áy náy.

Trước khi nhận lời đến gặp anh tôi cứ nghĩ rằng anh sống tại Sài Gòn. Đến nơi hẹn gặp lúc 8h tối tại cà phê Highland Phạm Ngũ Lão, tôi bất ngờ biết rằng anh mới  bắt chuyến xe bus từ Phan Thiết lúc 2h chiều cùng ngày lên Sài Gòn chỉ để găp tôi. Anh nói rằng sau khi gặp tôi, anh sẽ bắt xe về lại Phan Thiết ngay trong đêm.

Nếu biết trước điều này, chắc tôi không “dám” nhận lời hẹn gặp của anh. Cho dù anh tỏ thái độ rất vui và nói rằng anh đã nghe được điều cần phải nghe từ tôi. Nhưng thú thực tôi chẳng thấy mình mang lại điều gì đáng giá để anh cất công đường xa như vậy. Nhất là anh không có được sức khoẻ tốt như những người khác.

Anh bảo rằng anh muốn nghe những lời khuyên từ tôi. Nhưng tôi lại học được rất nhiều về thái độ sống tích cực và ý chí vươn lên của anh.


Cho dù thương hiệu cà phê muối của anh có trở thành "diễn viên nhà hát" hay mãi mãi chỉ là "kẻ hát rong đường phố", tôi tin rằng anh đã và đang sống một cuộc sống có ý nghĩa.

Và đó mới là điều quan trọng nhất.

Nguyn Đc Sơn
Giám đốc chiến lược thương hiệu - Richard Moore Associates