Trong chuyến công tác tại TP. HCM tôi đã có buổi tối cà phê đặc biệt với một người “đặc biệt”.
Anh là người khuyết tật. Bệnh bại não từ bé khiến anh đi lại và nói tương đối khó khăn. Nhưng vượt qua nhiều khó khăn anh đã tốt nghiệp đại học về quản trị kinh doanh. Anh còn biết viết cả kịch bản và được một đơn vị truyền thông sử dụng.
Anh đang sống tại Phan Thiết và hiện là “ông chủ” của một xe bán cà phê Take-away tại Mũi Né. Anh vừa mới khởi nghiệp. Ý tưởng kinh doanh của anh: bán cà phê take-away với ý tưởng cà phê sạch pha muối.
Anh là độc giả thường xuyên của chuyên trang về thương hiệu Branddance.vn. Anh tâm sự rằng các bài viết của tôi về thương hiệu (đặc biệt các bài nói về Trung Nguyên và Starbucks) là nguồn cảm hứng để anh nảy sinh ý tưởng kinh doanh “cà phê muối” của mình.
"Định vị thương hiệu" của anh rất rõ ràng.
Nếu Starbucks là “Nơi thứ ba”, Trung Nguyên là “Khơi nguồn sáng tạo” thì Cà phê muối của anh là “tình yêu và trách nhiệm”. Ý tưởng “Tình yêu” bắt nguồn từ chuyện ngắn “tách cà phê muối”; còn “trách nhiệm” là đạo đức kinh doanh chỉ bán cà phê sạch không hoá chất độc hại.
Anh sôi nổi chia sẻ với tôi rằng ứớc mơ của anh là biến thương hiệu “Cà phê muối” của mình thành “Nghệ sỹ nhà hát” thay vì cam chịu số phận “Người hát rong”.
Anh hỏi ý kiến của tôi và chiến lược thương hiệu cho “cà phê muối” của mình, về truyền thông thương hiệu, về cách nào để gọi vốn đầu tư v.v.
Ban đầu tôi chỉ ngồi im lặng lắng nghe chia sẻ của anh. Khi anh gặng hỏi, tôi quyết định “nói thật” với anh rằng ý tưởng kinh doanh “cà phê sạch” của anh không có gì mới. Nhiều người đã và đang làm điều này. Và họ có tiềm lực làm điều này tốt hơn anh rất rất nhiều. Ý tưởng “cà phê muối” dựa vào câu chuyện tình yêu là rất cảm động để có một brand story tốt. Nhưng tôi cũng nói với anh rằng thành công của một thương hiệu không đến từ một story cảm động mà đến từ ý tưởng kinh doanh khác biệt. Người ta chỉ kể câu chuyện thương hiệu khi thương hiệu đó đã thành công (tôi lấy ví dụ về Starbucks rằng sẽ chẳng ai đọc “Dốc hết trái tim” của Howard Schultz nếu trước đó ông không xây dựng Starbucks thành thương hiệu đắt giá). Và tôi cũng nói rằng các nhà đầu tư chỉ bỏ tiền cho một ý tưởng kinh doanh mang lại lợi nhuận. Một “câu chuyện cảm động” là một khởi đầu tốt nhưng không đủ để đảm bảo thành công về dài hạn.
Tôi sợ rằng ý kiến hơi thẳng thắn của tôi sẽ làm anh buồn và nhụt chí. Ánh mắt của anh cho thấy điều này. Nhưng thật may, sau đó nét mặt anh thể hiện sự điềm tĩnh trở lại. Anh nói thật lòng rằng anh rất thích ý kiến “phản biện” chân thành và thẳng thắn của tôi. Rằng anh rất “sợ” những câu động viên cảm thông chung chung, thậm chí “thương hại” của nhiều người đã dành cho mình.
Anh không muốn mọi người đối xử với anh như một người “khuyết tật” không gặp may mắn. Và anh rất vui khi tôi đã đối xử với anh như “một người bình thường”.
Tôi cũng rất vui khi anh đã nhận ra điều này. Chính vì tôn trọng anh nên tôi đã rất "thẳng thắn" với anh. Tôi cũng nhắc với anh rằng tôi không dám chắc ý kiến của tôi là đúng. Tôi khuyên anh nên hỏi thêm những doanh nhân có nhiều trải nghiệm và đã thành công. Chắc chắn họ mới là người đưa ra lời khuyên xác đáng nhất cho anh.
Có một chi tiết này đến giờ vẫn làm tôi cảm động và áy náy.
Trước khi nhận lời đến gặp anh tôi cứ nghĩ rằng anh sống tại Sài Gòn. Đến nơi hẹn gặp lúc 8h tối tại cà phê Highland Phạm Ngũ Lão, tôi bất ngờ biết rằng anh mới bắt chuyến xe bus từ Phan Thiết lúc 2h chiều cùng ngày lên Sài Gòn chỉ để găp tôi. Anh nói rằng sau khi gặp tôi, anh sẽ bắt xe về lại Phan Thiết ngay trong đêm.
Nếu biết trước điều này, chắc tôi không “dám” nhận lời hẹn gặp của anh. Cho dù anh tỏ thái độ rất vui và nói rằng anh đã nghe được điều cần phải nghe từ tôi. Nhưng thú thực tôi chẳng thấy mình mang lại điều gì đáng giá để anh cất công đường xa như vậy. Nhất là anh không có được sức khoẻ tốt như những người khác.
Anh bảo rằng anh muốn nghe những lời khuyên từ tôi. Nhưng tôi lại học được rất nhiều về thái độ sống tích cực và ý chí vươn lên của anh.
Cho dù thương hiệu cà phê muối của anh có trở thành "diễn viên nhà hát" hay mãi mãi chỉ là "kẻ hát rong đường phố", tôi tin rằng anh đã và đang sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Và đó mới là điều quan trọng nhất.
Nguyễn Đức Sơn
Giám đốc chiến lược thương hiệu - Richard Moore Associates